Image

Lợi thế theo học ngành Fintech tại Học viện công nghệ BCVT

Thực hiện sứ mệnh giải cơn khát về nhân lực công nghệ tài chính (Fintech) chất lượng cao cho thị trường lao động. Tại năm học đầu tiên 2021 -2022, Học viện công nghệ BCVT sẽ thực hiện tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành học Fintech.

Việc đào tạo ngành Fintech được Học viện thực hiện theo chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về nhiệm vụ cấp bách thành lập ngành đào tạo Fintech. Theo đó, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT đã giao nhiệm vụ cho liên khoa CNTT và Tài chính Kế toán xây dựng chương trình đào tạo Fintech đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và phát triển nền kinh tế số. Chương trình được xây dựng bài bản, công phu, được đánh giá cao bởi các chuyên gia Fintech trong và ngoài nước.

Ngành đào tạo lai ghép giữa công nghệ và tài chính

Công nghệ tài chính (Fintech) là một ngành đào tạo lai ghép giữa công nghệ và tài chính. Fintech là thuật ngữ mô tả sự đổi mới và hiệu quả nhờ công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Các hoạt động Fintech hiện nay gắn liền với sự ra đời và ứng dụng của công nghệ chuỗi khối (blockchain), phân tích dữ liệu lớn, trực quan hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)… Những công cụ này đã và đang đóng vai trò là chất xúc tác tạo đổi mới đáng kể trong ngành dịch vụ tài chính.

Chia sẻ với PV Tạp chí TT&TT, TS. Đặng Thị Việt Đức, Trưởng khoa Tài chính Kế toán 1, Học viện công nghệ BCVT cho biết chương trình đào tạo ngành Fintech của Học viện được thiết kế để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ cử nhân ngành công nghệ tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của nền kinh tế số. Sinh viên tốt nghiệp chương trình có phẩm chất đạo đức nghề; có kiến thức cơ bản và chuyên môn về tài chính ngân hàng, CNTT và công nghệ tài chính; phát triển năng lực sáng tạo, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong các hoạt động về chuyên môn hoặc các vấn đề xã hội thông thường.

Thông qua chương trình đào tạo, sinh viên sẽ nghiên cứu các lý thuyết về tài chính và khám phá các công nghệ như blockchain, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… có thể tạo đổi mới trong các hoạt động tài chính.

Cũng theo chia sẻ của TS. Đức, trên thế giới, Fintech là lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mở rộng ở phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Fintech là lĩnh vực mới, song tiềm năng phát triển Fintech ở Việt Nam được đánh giá rất cao do Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho lĩnh vực Fintech trong tương lai với nhu cầu nhân lực ngày càng lớn.

Theo báo cáo "Thị trường nhân lực ngành CNTT Việt Nam" thập niên 2010 - 2020 của VietnamWorks cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT và truyền thông tại Việt Nam có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong đó Top 3 ngành có mức lương cao nhất lần lượt là Fintech, công nghệ cao (IoT, AI, Blockchain…) và thương mại điện tử (E-Commerce).

TS. Đức cũng chia sẻ thêm: Chương trình đào tạo chuyên ngành Fintech của Học viện được xây dựng và giảng dạy phối hợp với 2 trường đại học có tiếng trên thế giới là Huddersfield (Anh) và Covirnus-Budapest (Hungary). Chương trình dự kiến có các học kỳ hè với giáo sư từ hai trường này. Ngoài ra, Học viện đang chuẩn bị ký thỏa thuận về việc xây dựng thêm các chương trình 3+1 và 4+1 để sinh viên có thêm lựa chọn lấy song bằng: bằng đại học Công nghệ tài chính tại Học viện và bằng đại học của Huddersfield (Anh), hoặc bằng đại học Công nghệ tài chính tại Học viện và bằng cao học Fintech của Huddersfield (Anh).

Cơ hội việc làm rộng mở

Với lợi thế của Học viện là trường đại học công nghệ, chương trình đào tạo ngành Fintech của Học viện có hàm lượng các học phần CNTT khá cao. Cụ thể, khối lượng kiến thức về CNTT và tài chính trong khối kiến thức ngành và chuyên ngành là ngang bằng nhau với năng lực đào tạo CNTT là điểm mạnh của Học viện.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp ngành Fintech của Học viện, sinh viên có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc như các bộ phận quản lý hệ thống thông tin, quản trị phân tích dữ liệu, quản trị và phân tích rủi ro, quản lý dự án công nghệ tại các định chế tài chính; bộ phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính tại các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán).

Các sinh viên sau tốt nghiệp cũng có thể làm việc tại bộ phận phát triển sản phẩm và kinh doanh tại Tập đoàn, Công ty công nghệ; bộ phận phân tích tại Tập đoàn, Công ty bán lẻ, thương mại điện tử, dịch vụ công; bộ phận CNTT, quản lý phát triển kinh tế số tại một số cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ…

Các sinh viên cũng có thể làm việc tại các Bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại công ty khởi nghiệp Fintech hoặc tự tạo lập doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech riêng cho bản thân; Các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về tài chính, ngân hàng và CNTT trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Trong những năm qua, Học viện công nghệ BCVT là trường tiên phong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Học viện là cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, là một trong các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia về CNTT trong chương trình phát triển ngành CNTT của Chính phủ Việt Nam.

Học viện cũng đang trở thành đại học số đầu tiên tại Việt Nam. Trong thời gian tới, khoảng hơn 15.000 sinh viên, học viên và gần 1.000 cán bộ, giảng viên tại Học viện công nghệ BCVT có thể thực hiện mọi hoạt động trong trường thông qua điện thoại thông minh (smartphone), iPad. Mỗi người có một mã định danh để kết nối với nền tảng chung của Học viện.

Lan Phương

Theo ICT Việt Nam

admin_img

Người đăng

Đặng Phong Nguyên

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Để lại bình luận

img

Đăng ký nhận bản tin