Image

Kinh tế không tiếp xúc, xu hướng phát triển trong thời đại mới

Xu thế bùng nổ của công nghệ số đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo... Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe con người mà còn toàn bộ các hoạt động làm việc, sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, tập thể dục và sử dụng thời gian rảnh rỗi trên quy mô toàn cầu. Đại dịch diễn ra càng lâu, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng càng dài thì con người càng có nhiều khả năng hình thành những thói quen mới làm gián đoạn nền kinh tế.

Những năm tiếp theo sẽ được định hình bởi xu thế công nghệ số và cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo một kịch bản của Board of Innovation, phải mất từ 18-24 tháng nữa, thế giới mới có thể trở lại “bình thường” khi các chính sách vệ sinh phòng dịch, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cấm tụ tập... dần dần được gỡ bỏ. Đó là lý do khái niệm “Kinh tế không tiếp xúc” hay “Kinh tế ít chạm” xuất hiện để chỉ xu hướng người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh mới. Khái niệm này được đề cập nhiều hơn tại Việt Nam, gắn với những yêu cầu về giãn cách xã hội của Chính phủ.

 

Khái niệm Kinh tế không tiếp xúc (Low-touch Economy)

Các vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng trong thế giới hiện đại đến từ các đại dịch và bệnh dịch - chẳng hạn như cúm gia cầm, SARS, Ebola và đại dịch cúm - đe dọa sức khỏe của người dân trên thế giới. Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Người ta tin rằng thế giới có thể không thể tránh khỏi những đại dịch khác nghiêm trọng hơn, mặc dù không ai có thể đoán trước được khi nào nó sẽ xảy ra. Các biến thể coronavirus mới không chỉ tác động đến định nghĩa về một “bình thường mới” trong cuộc sống hàng ngày của con người, nơi mà họ cần phải xem xét lại các hoạt động của mình dựa trên việc giãn cách xã hội và tránh tụ tập, mà còn ảnh hướng tới sự phát triển của các hoạt động kinh tế. Đó là lý do khái niệm “Kinh tế không tiếp xúc” hay “Kinh tế ít chạm” xuất hiện để chỉ xu hướng người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh mới.

Kinh tế không tiếp xúc được đưa ra bởi Board of Innovation, một công ty thiết kế chiến lược đổi mới và loại hình kinh doanh ở Hà Lan, đề cập đến tình trạng mới của nền kinh tế, là kết quả của các biện pháp sức khỏe giảm thiểu và kiểm soát đại dịch COVID-19 dẫn đến thay đổi hành vi và gián đoạn kinh tế. Kinh tế không tiếp xúc đặc trưng bởi:

  • Thực hiện các chính sách về ít tiếp xúc, hạn chế tụ tập, hạn chế đi lại để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe;
  • Các quy định mới trên thị trường toàn cầu, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng;
  • Sự thích ứng của các mô hình kinh doanh với các yêu cầu về sức khoẻ và xã hội hiện tại.

Các công ty trong kỷ nguyên “bình thường mới” do đại dịch tạo ra sẽ phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ để phù hợp với các biện pháp y tế khác nhau và những thách thức khác mà COVID-19 cũng như các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai có thể mang lại, chẳng hạn như những khó khăn làm thế nào để hoạt động kinh doanh thường ngày có thể giảm thiểu tương tác vật lý giữa nhân viên và người tiêu dùng, khó khăn khi có lệnh cấm đi lại, các biện pháp vệ sinh mới, hạn chế tụ tập đông người và cô lập các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, các công ty này sẽ phải tạo ra tác động lớn thông qua đổi mới và cải tiến mô hình kinh doanh, cũng như linh hoạt để điều hướng nhiều dư chấn trong nền kinh tế toàn cầu để thành công. Trong khi một số công ty xem xét nền kinh tế không tiếp xúc trong kế hoạch dài hạn của họ, những công ty khác đang bắt đầu làm việc với các kịch bản không dự báo sự phục hồi trong ngắn hạn (Board of Innovation, 2020).

Kinh tế không tiếp xúc trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc cụm từ “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được đề cập thường xuyên. Tuy nhiên, khái niệm “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được cho là đã xuất hiện từ trước đó (Trần Văn, 2021).

Nghiên cứu của Trường Đại học quốc tế RMIT cho thấy, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế, cũng như hành vi của xã hội và cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị cho nền kinh tế không tiếp xúc ngay từ bây giờ, bởi cách sống và thông lệ kinh doanh mới hình thành. Một trong những minh chứng cho xu hướng "kinh tế không tiếp xúc" là sự bùng nổ của các hoạt động TMĐT kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện (cuối năm 2019).

Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2020, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước với lượng khách hàng truy cập các sàn TMĐT trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, tăng 1,5 lần so cùng kỳ.

Đặc biệt, để ứng phó với đại dịch COVID-19, các cơ quan quản lý khuyến khích ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt với các ví điện tử, thí điểm mô hình mobile money, dịch vụ công trực tuyến. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22/4/2021, có 43 tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều ví điện tử lớn, uy tín.

Tính đến hết quý I/2021, cả nước có 96 triệu thẻ ngân hàng nội địa và 18 triệu thẻ quốc tế, 19.714 máy ATM với gần 250 triệu giao dịch, tổng giá trị 767 nghìn tỷ đồng và 271.727 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) với trên 103 nghìn giao dịch, tổng giá trị gần 180 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam hiện có khoảng trên 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ mobile banking là 200%/năm. Để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh từ giao dịch trực tiếp và qua tiền mặt, Việt Nam đã đẩy nhanh, để triển khai chủ trương hạn chế thanh toán tiền mặt.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển với công nghệ tiên tiến, như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động

Một số khuyến nghị

Theo Trần Văn (2021), hiện nay, “kinh tế không tiếp xúc” vẫn còn đối diện với không ít thách thức. Hành lang pháp lý cho “kinh tế không tiếp xúc” chưa có những đột phá đáng kể, chưa được luật hóa và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho “kinh tế không tiếp xúc” chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng... Trong thời gian tới, để thúc đẩy “kinh tế không tiếp xúc” phát triển, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Về phía cơ quan nhà nước

  • Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở để mô hình “kinh tế không tiếp xúc” phát triển có điều kiện phát triển đúng hướng, khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật không theo kịp với thực tiễn phát triển của khoa học - công nghệ.
  • Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về DN khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...
  • Nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của kinh tế không tiếp xúc nhằm tạo sự đồng bộ và khung pháp lý để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp

  • Tiên phong trong việc khởi dựng kiến tạo mô hình kinh tế không tiếp xúc, trong đó chú trọng đầu tư thúc đẩy TMĐT, trí tuệ nhân tạo... phát triển bởi suy cho cùng DN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình kinh tế này.
  • Xác định số lượng theo mỗi phân khúc để đạt mục tiêu.
  • Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao để phục vụ cho việc vận hành các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế phi tiếp xúc.

H.A

admin_img

Người đăng

Nguyễn Hương Anh

ThS. Hương Anh tốt nghiệp loại Xuất sắc Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2018. Trong quá trình học, ThS. Hương Anh đạt nhiều học bổng khuyến khích sinh viên có thành tích xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ThS. Hương Anh tiếp tục học Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế tại University of Lincoln (Vương quốc Anh) và đạt học bổng Quốc tế 50% cũng như tốt nghiệp loại Xuất sắc.

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Để lại bình luận

img

Đăng ký nhận bản tin